Chúa Giêsu Kitô sinh ra ở đâu? Câu trả
lời của Thánh Kinh là: “…Chúa Giêsu sinh ra tại Belem
thuộc Giuđa, thời vua Hêrôđê.”
(Mt 2:1). Tuy nhiên, cũng theo Thánh Kinh, chính vua
Hêrôđê đã không biết, và cả dân thành Giêrusalem cũng
không biết gì về tin này. Họ chỉ kinh ngạc và xôn xao
lên khi nghe các vị Đạo Sỹ đến từ Phương Đông hỏi họ:
“Vua Do Thái mới sinh ra ở đâu? Chúng tôi thấy ngôi sao
Ngài và chúng tôi đến thờ lạy Ngài.” (Mt 2:2)
Nhưng nơi mà Chúa Giêsu sinh ra lại không
phải là nơi sang trọng, đầy đủ tiện nghi, xứng với ngôi
vị quân vương. Điều này đã khiến cho các vị Đạo Sỹ gặp
khó khăn khi tìm kiếm Ngài ở Giêrusalem, vì nghĩ rằng đó
là nơi mà “Vua Do Thái” được sinh ra. Thật ra, nơi Ngài
hạ sinh lại là một chuồng giữ thú vật ngoài đồng quê
Belem cách Giêrusalem khoảng 8,89Km. [1]
Khi báo cho các mục đồng về tin mừng Đấng
Cứu Thế giáng trần, thiên sứ đã chỉ cho họ biết chi tiết
về con người và nơi sinh trưởng ấy: “Anh em cứ dấu này
mà nhận ra Người: anh em sẽ gặp thấy một trẻ sơ sinh bọc
tã, nằm trong máng cỏ.” (Lc 2:12) Từ cách Đồng Chiên nơi
các mục đồng canh giữ đoàn vật của họ. Họ đã vội vã ra
đi trong sương tuyết đến nơi Chúa Cứu Thế hạ sinh cách
đó một dặm để chiêm bái và thờ lạy Ngài. [2]
“Thiên Chúa đã không chọn đến với nhân
lọai trong vinh quang huy hoàng, nhưng như một trẻ thơ
khiêm nhu được sinh ra trong khó nghèo.” Đức Thánh Cha
Phanxicô đã suy niệm về sự khiêm nhường này của Hài Nhi
Giêsu trong hang bò lừa nghèo khó. Ngài khuyến khích
các Kitô hữu trong Đêm Giáng Sinh: “Chúng ta hãy đến bên
máng cỏ và nhìn vào trung tâm của những gì được trang
hoàng, với những ánh sáng chói lòa… Hãy suy ngắm về một
con trẻ. Trong sự nhỏ bé của Ngài, Thiên Chúa thực sự
đang hiện diện giữa chúng ta.” [3]
Không lâu trước đây, tôi cũng đã đến
Belem, nơi mà cách nay hơn 2000 năm Ba Nhà Đạo Sỹ, các
mục đồng đã được gặp gỡ Đấng Cứu Thế. Nhưng chuồng bò,
chiếc máng cỏ năm xưa đã không còn nữa, bù lại là ngôi
thánh đường Giáng Sinh nguy nga, và một ngôi sao bạc
được khảm lên nền cẩm thạch ghi dấu nơi xưa Chúa Hài Nhi
đã giáng trần.
Hài Nhi Giêsu, Mẹ Maria, Thánh Giuse
không có đó nhưng hình ảnh của các Ngài đã theo tôi suốt
hành trình thăm lại các nơi ghi dấu những tháng năm trên
trần gian của các Ngài. Một trong những hình ảnh ấy đã
làm tôi xúc động trên con đường theo gót Thánh Gia khi
các Ngài trốn sang Ai Cập. Hình ảnh tôi cho là giống với
Maria, Giuse và Hài Nhi Giêsu khi suy niệm về ý nghĩa
Giáng Sinh.
Trên chuyến bus tiến về Ai Cập hôm đó,
tôi đã nhìn thấy bên đường hai em bé nằm trên một tấm
vải dường như đang ngủ giữa trời nóng, cát bụi của miền
hoang địa không một bóng cây. Xa xa là những người chăn
chiên với đoàn vật của họ. Tôi đã hỏi hướng dẫn viên của
đoàn hành hương xem các em nhỏ kia làm sao có thể chịu
đựng được dưới trời nắng chói chang như vậy? Và câu trả
lời là, không còn lựa chọn nào khác, vì các em lớn lên
cũng là những du mục theo sau đoàn chiên dê của họ trên
những dải đất khô cằn, nắng rát, gió và cát. Hình ảnh ấy
đã khiến tôi có cái nhìn khác, một lối suy nghĩ khác về
Belem, về hang lừa máng cỏ, và về đêm Giáng Sinh.
Thật ra nếu tôi phải chờ đến Đêm Giáng
Sinh khi đến thánh đường với đèn sao lấp lánh, với hang
đá được trang hoàng lộng lẫy, với nhạc thánh ca réo rắt
để tìm gặp Hài Nhi, Mẹ Maria, và Thánh Giuse thì tôi
không mấy hy vọng gặp được các Ngài. Ngay cả khi có dịp
đến tận Belem, cũng chưa chắc nhận ra được các Ngài.
Vậy Chúa Hài Đồng sinh ra ở đâu? Tôi sẽ
đến đâu để thờ lạy Ngài như các nhà Đạo Sỹ, và như các
mục đồng?
Nếu Belem là bầu trời cứu độ, hang bò lừa
là một mái nhà lụp xụp, xiêu vẹo ở một góc phố tồi tàn,
dơ bẩn. Nếu Maria là những người mẹ nghèo, không có sữa
đủ cho con bú. Nếu Giuse là những người cha lam lũ, vất
vả cũng chỉ kiếm đủ miếng cơm dành cho con, còn bố mẹ
thì ăn khoai, sắn, ngô, hoặc lấy rau làm cơm. Và nếu Hài
Nhi Giêsu là những em nhỏ sinh ra trong các gia đình
nghèo khó, túng thiếu, không có tuổi thơ, không có tương
lai; những em nhỏ bị bỏ rơi, bị cha mẹ từ chối, bị xã
hội lợi dụng và lạm dụng cả thể xác lẫn tinh thần… thì
thật sự tôi đã từng gặp các Ngài, và đã từng đến những
nơi ấy.
Tôi đã gặp Chúa Hài Nhi trong một khu phố
ổ chuột, chằng chịt những cống rãnh nước đen ngòm, mùi
hôi thối bốc lên, đầy rác rưởi, ruồi, muỗi. Tôi đã gặp,
Ngài đang ở đây, sinh ra và lớn lên dưới thân phận những
đứa trẻ nghèo, đi chân đất, áo quần rách nát, mỏng manh
lang thang bới móc các bãi phế thải mong kiếm được chút
gì cho cái bụng đang cồn cào vì đói. Tôi đã gặp Ngài qua
những em nhỏ mà tôi thấy đứng chết trân, thòm thèm nhìn
vào một quán ăn bên đường mong đón nhận chút của ăn dư
thừa do thực khách bỏ lại. Và tôi cũng đã gặp Ngài co ro
trong cái giá lạnh của mùa Đông ngay trên đất Mỹ phồn
vinh, giầu có, phải rúc vào một thùng rác công cộng để
ngủ qua đêm, hoặc đứng run rẩy dưới trời gió buốt xin ăn
ở các ngã ba, ngã tư đường tấp nập xe cộ qua lại.
Với những Giêsu ấy, trong những hang đá
dơ bẩn, tanh hôi ấy dưới bầu trời nhân sinh này, tôi
không cần phải sang tận Belem, Israel để tìm gặp, để thờ
lạy Ngài. Chúa sinh ra trong tâm hồn những người nghèo
khó, khiêm tốn, đơn sơ và trong sạch. Chuồng bò năm xưa
của Ngài giờ đây là những túp lều xiêu vẹo, những mái
nhà lụp sụp, giột nát ở một khu nghèo nàn, hôi tanh, bùn
lầy, nước đọng. Tôi chỉ cần ngọn lửa tình yêu để thắp
sáng đức tin như ba nhà Đạo Sỹ khi nhìn lên ngôi sao
trên nền trời Phương Đông, như các mục đồng với lòng sốt
mến khi nghe thiên sứ báo tin là có thể giúp tôi đến
được nơi sinh ra và tạm trú của Ngôi Lời Nhập Thể, và ở
đó tôi sẽ gặp được Maria, Giuse và Hài Nhi Giêsu.
Ôi cao siêu huyền nhiệm. “Đấng ôm tròn vũ
trụ lại cần được nâng niu trên cánh tay của người khác…
Tình yêu vô biên đã có một trái tim nhỏ bé để đập những
nhịp đập nhẹ nhàng!” [4]
Đêm nay những tâm hồn thiện tâm sẽ nghe
văng vẳng tiếng các mục đồng gọi nhau, để cùng hòa niềm
vui mừng ngày Chúa Giáng Trần với ca đoàn thiên quốc:
Kìa trông huy hoàng vì sao, chiếu soi gần
xa khắp miền, nào hỡi mục đồng dậy mau, chớ lo chi hãy
bằng yên. Này nghe ta báo tin vui mừng: Vừa đây trong
chốn hang lừa, đã sinh ra chính Vua muôn trùng, mau đến
Belem kính thờ.
Belem kìa, sương tuyết ta ngại chi! Mau
lên nào, mau bước ta cùng đi, cùng đi xem rõ Vua nhân
trần. Người sinh trong cảnh cơ hàn. Nào anh em hãy nghe
thiên thần, đi viếng Chúa ta xuống trần.
… Giữa
muôn ngàn hào quang, với muôn ngàn hương ngát lừng. Bao
thiên thần hòa vang, cất bao lời cung chúc mừng: Sáng
danh Thiên Chúa trên trời, bằng yên cho khắp nhân loại.
Sáng danh Thiên Chúa trên trời, bằng yên cho khắp nhân
loại.[5]
Giáng Sinh 2022
_______________
Tài liệu khảo cứu
1. https://www.distancefromto.net ›
between › Bethlehem
Distance Between
Jerusalem and Bethlehem
2.The Shepherds' Field | Danny The Digger
https://dannythedigger.com ›
shepherds-fields
3. Bài giảng Lễ Vọng Giáng Sinh, 24 tháng
12 năm 2021.
4. Ibid.
5. Kìa Trông. Lm. Hoài Đức – Trần Vĩnh
Phước. |